ĐẮC NHÂN TÂM * ĐỌC SÁCH



ĐỌC SÁCH
Đọc sách đó là sự đối thoại của ta với những người trong quá khứ.
Descares
Đọc sách không những để nâng cao trí thức mà còn nâng cao nhân cách.
Dr. Guérin
Đọc sách mà tin hết vào sách thì thà không đọc còn hơn.
Mạnh Tử
Không phải đọc tất cả là đủ, mà phải biết tiêu hóa.
Boufflers
Đọc sách phải có đảm thức, có con mắt tinh tường và có nghị lực.
Lâm Ngữ Đường
Những nhà triệu phú đều là những người đọc sách nhiều. Họ hỏi, họ đáp: "Đọc sách là một trong những nguyên nhân thành công của tôi".
Casson
Đọc hết một quyển sách hay, ta cảm thấy như từ biệt người bạn thân.
Voltaire
Đọc sách đó là cái cửa mở vào cuộc đời vui tươi.
Mauriac
Có lần tôi nghe một bà rầy con mình: "Đọc, đọc cái gì!... Con chạy tìm cho mẹ vài ký gạo cái đã!" Đọc sách là một việc làm dài hạn, thường xuyên, đó là cuộc trường kỳ chiến đấu, lợi ích của việc đọc sách tuy rất thiết thực nhưng nó đến rất chậm, một cuộc tích lũy nhiều năm, nó cũng giống như mỗi ngày người ta bỏ vào hũ tiết kiệm một vài hạt gạo. Còn cuôc chiến đấu với giặc đói trước mắt cần thiết hơn.
Trong những hoàn cảnh khốn khổ không ai đủ thời gian và tâm trí để đọc sách thì họ phải chọn lúc thích hợp để đọc, miễn là họ chịu đọc.
Một người ham học, ham đọc, có một tinh thần cầu tiến, thì có bận rộn cách nào họ cũng dành một ít thì giờ để lật qua vài trang sách trong mỗi ngày. Những người lao động, việc đọc sách đối với họ trước nhất là để tiêu khiển. Dạng đọc sách ngày nay nhiều lắm. Có cô bán hàng trong khi ngồi chờ khách mua hàng, họ đem mấy quyển tiểu thuyết, võ hiệp hoặc tạp chí ra xem, họ gọi đó là "giết thì giờ". Một số người vì nghề nghiệp, họ đọc những loại sách có liên quan đến công việc của họ, chẳng hạn như các bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo. Ngoài ra còn có một số người nữa sách gì cũng đọc, rảnh hồi nào đọc hồi đó. Họ là những người viết biên khảo, hoặc những người thích tìm hiểu. Đây là đội ngũ chính trong làng đọc sách. Dù gì thì dù, nhưng sách đối với những kẻ đọc sách là những món ăn tinh thần. Có món ăn người ta cần no, có món ăn người ta cần ngon, có món ăn người ta cần bổ, có món phải dùng đến đường mật, có món phải dùng mắm muối, có món phải dùng rượu bia... vô số món ăn cũng như vô số dạng sách.
Đọc sách người ta tìm thấy nhiều điểm rất thú vị. Cùng một vấn đề nhưng lại có nhiều cách giải quyết khác nhau, có khi trái ngược nhau (nhưng không phải là sai), nhưng tất cả đều giúp cho đọc giả một số tri thức.
Tư tưởng con người càng lúc càng tiến bộ, chiều hướng giải quyết có thể khoáng đạt hơn. Có công lý nào thực hơn công lý không gian ba chiều của Euclide? Vị đại sư sáng giá nhất của 25 thế kỷ phút chốc bị nhóm Nicolas Bourbaky đòi hạ bệ.
Cũng thì hành quân, nhưng người có đọc sách nhất là các sách về lịch sử, binh pháp thì cuộc hành quân có vẻ qui mô và vững tâm hơn. Đọc sách ta thấy Tôn Tẫn thống lĩnh quân Tề đánh nhau với quân Ngụy do tướng Bàng Quyên chỉ huy. Tôn Tẫn đoán được tâm lý của Bàng Quyên là hiếu thắng nên vờ lui quân, cho bớt lò nấu. Bàng Quyên kiểm lò ngầm hiểu quân Tề bỏ trốn liền đem quân đuổi theo, bị Tôn Tẫn đem phục binh ra tiêu diệt (đó là chuyện xảy ra thời Chiến Quốc). 500 năm sau (thời Tam Quốc), Khỗng Minh chọi nhau với Tư Mã Ý, nhưng sợ Tư Mã Ý đuổi theo, bèn cho đấp theo lò nấy. Tư Mã Ý kiểm lò thấy mỗi lúc mỗi nhiều thêm thì đoán là địch có viện binh nên không dám truy kích.
Ta còn thấy, thế kỷ thứ 10, Ngô Quyền ở nước ta chống cự với quân Nam Hán do thái tử Hoằng Thao chỉ huy. Ngô Quyền đánh với quân giặc, cắm cọc nhọn trên sông Bạch Đằng, kết quả tiêu diệt được địch, tướng Hoằng Thao bị giết. Ba thế kỷ sau, quân Nguyên sang đánh nước ta, cũng bị thua tại sông Bạch Đằng với thuật cắm cọc như trước. Nếu các tướng lãnh nhà Nguyên chịu khó đọc sách sử chắc phải thấy sự thất bại của quân Nam Hán trước đây mà đề phòng.
Hồi thế chiến thứ I (1914 - 1918) tướng nước Anh là Allenby đem quân đổ bộ lên đất Palestine, đánh nhau với quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Bấy giờ quân Thổ đóng ở Micmas trên ngọn đồi cao bên kia thung lũng. Viên sĩ quan phụ tá của Allenby nghe chữ "Micmas" lấy làm ngờ ngợ. Ông ta ngạc nhiên không biết từ này mình đã gặp ở đâu rồi, bỗng ông sực nhớ mình đã đọc trong Thánh Kinh (Bible), bèn mở Thánh Kinh ra xem lại, thấy ghi:
"Saul và con là Jouathan cầm đầu toán dân quân Do Thái (Israel) chống nhau với quân Philistins dang đóng ở Micmas. Cha con ông mang đầy vũ khí theo đường hẹp, ở bên này đầu đường có cụm đá hình yên ngựa tên gọi lài Bossets và ở đầu đường bên kia cũng có một khóm đá chen chúc với cây hòe gọi là Séné. Cha con ông Saul qua khỏi Séné tiến tới một vùng đất cao diện tích nhỏ hẹp. Nơi này có quân Philistins canh gác. Trời vừa hừng sáng quân Philistins thức dậy, thấy cha con Saul tiến lên ngỡ là quân mình, bị tập kích liền bỏ chạy hổn loạn. Saul thừa cơ đem dân quân truy kích giải phóng được xứ sở Israel..".
Viên sĩ quan phụ tá trình sách ấy cho Allenby xem. Allenby xem xong cho người đi dò đường xác nhận địa thế ấy quả đúng như Kinh Thánh đã ghị, lại có toán quân Thổ đúng vào vị trí của quân Philistins. Tướng Allenby hành quân như Kinh Thánh đã chép và kết quả xảy ra như kinh đã ghi. Quân Anh toàn thắng, phá tan được quân Thổ ở Micmas...
Đọc sách cho ta kiến thức đã đành còn cho ta những kinh nghịêm quí báu có những ích lợi bất ngờ.
Năm 1948, tướng Israel là Yadin đang chống nhau với quân Ai Cập. Quân Ai Cập đang chiếm đóng ở vùng Néguef. Tướng Yadin mở Kinh Thánh ra xem, thấy nói ở vùng Mushr-fa có con đường nhỏ dẫn đến Néguef... nhưng hiện tại đã bị cây cối mọc chi chít. Yadin liền cho xe ủi khai quang con đường đó, rồi bí mật xua quân tiến lên đánh phủ đầu quân Ai Cập. Trận này Quân Ai Cập đại bại, 14 ngày sau quân Ai Cập bãi binh.
Trong quyển The Ocean của Magellan (tức là Magalhaens), nhà hàng hải Bồ Đào Nha viết về các đặc điểm ở các đại dương: những nơi hiểm nghèo, những nơi bình yên (Magellan là người đặt tên cho biển Thái Bình Dương - Ocean Pacifique)... Đó là quyển sách gối đầu giường cho các nhà hàng hải đời sau. Ngay phía đông cửa biển Manila có hai hòn đảo, đảo phía ngoài rộng chừng 5 hecta cao hơn mặt nước 3m, bằng phẳng như sân bay tên là Icabra; hòn đảo phía trong cao lớn, hiểm trở, có doi đất thông với đảo Luzon, tên gọi là Luban. Nước nơi đây nhìn từ xa có màu xanh của đại dương (giữa Icabra và Luban) nhưng thật sự nó chỉ sâu lối một mét. Khoảng cách giữa hai đảo chừng 1km. Magellan đặt tên cho vùng đảo này là... Misfortuneland (Đảo Định Mệnh). Nhiều tàu thuyền đã chìm nơi này vì mắc cạn. Thế mà từ khi ngành hàng hải sử dụng mày Diesel tính đến tháng 6 năm 1966 có đến 14 chiếc tàu trọng tải tử 10 ngàn tấn trở lên nạp mạng cho vùng kênh Misfortuneland này, vì các thuyền trưởng không chịu đọc sách, cứ thấy thuận tiện là xông vào!
Nói là nói vậy thôi, đọc sách biết bao nhiêu cho đủ. Sách của năm châu có đến hàng tỷ bộ khác nhau. Từ khi loài người có văn tự đến nay quốc gia nào không sách? Riêng thư viện ở Boston có hằng triệu bộ sách!
Các nhà văn học lỗi lạc vẫn còn có chỗ nhầm lẫn. Một giai thoại kể về văn hào Tô Đông Pha sửa thơ của nhà đại cách mạng Vương An Thạch. Trong bài thơ của Vương có hai câu:
Minh Nguyệt sơn đầu khiếu,
Hoàng Khuyển ngọa hoa tâm.
Tô Đông Pha đến nhà Vương An Thạch chơi, trong lúc Vương đang ngủ trưa, thấy trên bàn có hai câu thơ trên, ông Tô chép miệng:

- Vương cũng đỗ Tiến sĩ nhưng sao mà dốt vậy? Sao lại "Trăng sáng hót trên đầu núi, Chó vàng nằm giữa lòng hoa?" Tô cầm bút sửa "khiếu" ra "chiếu", và "tâm" ra "âm" để có nghĩa là: "Trăng sáng chiếu đầu núi, chó vàng nằm dưới bóng hoa". Tô đắc ý bỏ ra về. Vương thức dậy biết việc, bỏ bụng cười thầm. Lúc đó Vương đang làm Tể tướng triều Tống, cựu phái phản đối trong đó có Tô Đông Pha. Vương dùng pháp luật đầy Tô xuống Hoàng Châu (Hà Bắc). Khi mới đến, những đêm trăng sáng có tiếng chim hót ríu rít trên đầu ngọn núi gần đó khiến Tô không ngủ được liền bước ra ngoài xem trăng, hỏi người chung quanh mới hay loài chim đó có tên là "Minh Nguyệt". Và cũng ở nơi này có một loại hoa màu vàng khi nở ra năm nhụy hoa bên trông giống hình năm con chó nằm chụm đầu, được biết đó là hoa "Hoàng Khuyển". Giá mà trước đây Tô đi qua xứ này, hoặc đọc các sách địa phương chí thì Tô không bị bẽ bàng.
Nhà thơ Trương Kế đời Đường viết bài thơ "Bạc Phong Kiều trong đó có câu:
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
(Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San)
Đại văn hào Âu Dương Tu đời Tống phê: "Thi nhân thường có bệnh sáo ngữ, nhưng lý thì bất thông. Làm gì nửa đêm mà lại có tiếng chuông công phu của nhà chùa?" Về sau ông Diệp Mộng Đắc phê lại lời phê của Âu Dương Tu: "Có lẽ ông Âu chưa hề đến đất Ngô Trung (Tô Châu) nên không biết nơi này có lệ thỉnh chuông vào lúc nửa đêm". Trong "Đường Thi kỷ sự" cũng thấy ghi: "Ở Cô Tô quả có lệ gióng chuông công phu vào nửa đêm gọi là Vô Thường Chung", ông Trương ghi việc đó là điều thực, còn ông Âu cho là "ngữ bệnh thì không phải". Đầu thế kỷ 20, học giả Hồ Thích phê: "Sách Nam sử có chép một bài thơ tựa đề: Dương Cảnh Lâu (Lầu Cảnh Dương) của Từ Võ Đế, bài ấy có nói đến chuông canh ba, chuông canh năm". Khi Ngô Cảnh Trọng làm Thái thú Ngô Trung đã ra lệnh cấm chuông nửa đêm. Các nhà thơ đời Đường như Bạch Lạc Thiên (Bạch Cư Dị), Ôn Đình Quân đều có nói đến "chuông nửa đêm). Ông Âu Dương Tu có lẽ không truy cứu đến..."
Đọc sách nhiều cho ta nhiều kiến thức và cũng rất nhiều thú vị. Lâm Ngữ Đường nói: "Người đọc sách cần phải có một đảm thức". Cổ ngôn Trung Quốc nói: "Đọc sách để sửa mình", nhưng J. Green lưu ý chúng ta: "Nhiều người đọc sách không phải để mở rộng hiểu biết mà để khuếch đại cái tôi nhỏ bé của mình". Ta biết, sách vở chính là thân xác của văn hóa. Người đọc sách chẳng những để nâng cao kiến thức mà còn tự sửa mình để thích hợp với "con người văn hóa". Wilde nói: "Những quyển sách mà xã hội gọi là phi luân là những quyển sách cho xã hội tự thấy cái thô bỉ của nó. Rất là vô lý khi người đặt ra một quy luật khắt khe về những thứ được phép đọc. Và những thứ không được phép đọc. Họ đâu có biết được rằng, quá nửa trí thức hiện nay thuộc về những cái không nên đọc đó".
Văn hóa là sự kết tinh những gì do văn minh đem lại. Văn hóa là phần tinh túy của dân tộc. Đã liệt vào văn hóa tức là đã thừa nhận cái tinh hoa của mọi nền văn minh. Đọc sách tức là đọc các tiểu phẩm của văn hóa. Sách có quyển hay và có quyển không được hay hoặc không hay, nhưng nó cũng đều là thuốc. Nhà y được cần phải biết sâu sắc những chất độc, chất bổ đó mới gọi là tinh diệu. Vô số thuốc đọc người ta dùng để chữa bịnh...
Người đọc sách còn có thể hòa hợp tâm tưởng của mình vào trong ý và lời của tác giả, tự mình có thể thì thầm với tác giả, có thể phản đối hay khâm phục...
Tóm lại, muốn nâng cao tâm hồn mọi người đều phải cố gắng dành riêng cho mình một khoảng thời gian nào đó để đọc sách. Muốn tiến bộ thật sự, mấy nguyên tắc về đọc sách phải nắm vững:
Chọn loại sách thích hợp với ngành nghề của bạn đang làm.
Chọn những sách mà bạn thích.
Những sách trau dồi trí tuệ và kiến thức.
Chọn thời gian nhất định.
Trước khi đọc qua những trang mới, bạn tự nghiệm lại hôm qua mình đọc những gì.
Một điều để tâm niệm: "Đọc sách để xứng đáng với chính mình làm được con người hôm nay", chứ không phải để khoe khoang.


>THUỐC CHỮA BỆNH TIỀN ĐÌNH ĐÔNG DƯỢC ĐỨC THẮNG0945235868