ĐẮC NHÂN TÂM * LÀM VIỆC



LÀM VIỆC:
- Tất cả những ai ăn không ngồi rồi đều là những kẻ ăn cắp.
J.J. Rousseau
- Sự làm việc có ba lợi ích lớn: không buồn nản, không có thói hư, tránh được sự nghèo túng.
Voltaire.
- Người bạn tốt nhất của ta vẫn là sự làm việc.
Harleville
- Sự làm việc là món ăn của những tâm hồn thanh cao.
Sénèque.
- Đừng hẹn đến ngày mai những gì bạn có thể làm được hôm nay.
Franklin.
- Con ong không có thì giờ để buồn.
W. Blake.
Thần nghèo có thể đi qua cửa nhà người siêng năng nhưng không dám vào.
Franklin.
Sự làm việc là chức năng thiên phú của mọi sinh vật. Mọi sinh vật đều có tăng trưởng tất nhiên phải có làm việc. Cho đến cây cối cũng phải làm việc. Hoa hấp thụ ánh sáng và nhiệt độ để tạo màu sắc và mùi hương, lá làm nhiệm vụ hô hấp, rễ hút những chất dinh dưỡng, thân cành có nhiệm vụ chế biến thức ăn.
Trong cuộc cạnh tranh sinh tồn không một sinh vật nào được phép "lười biếng". So với mọi loài, con người được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều, thế mà vẫn có kẻ thích ngồi không mà hưởng thụ, chứ không chịu làm việc, thế có đáng buồn không?
Ngay thẳng mà nói, chưa từng có một người nào sống mà không làm việc, nhưng vấn đề làm việc ở đây đòi hỏi một sự tận tâm, một sự cầu tiến. Sở dĩ loài người tiến bộ là do đại đa số làm người có tinh thần cầu tiến, học hỏi.
Bạn làm việc cho chính bạn hay làm công cho người khác, giá trị ở chỗ làm tận tình hay không? Theo kinh nghiệm, ai tận lực tận tâm thì sẽ tìm thấy một thú vui và xóa được những ưu tư. Và sung sướng hơn nữa, chính mắt bạn trông thấy thành quả của bạn đã làm ra. Người ta thường ca ngợi một bài thơ hay, họ nói: "Bài thơ có hồn", "Bài thơ có thần"... Không riêng gì bài thơ, bức tranh hay một tác phẩm nghệ thuật nào khác, sự làm việc bền bỉ với một tấm lòng nhân hậu cởi mở thì thành quả của bất kỳ người nào cũng đều có thần cả. Đại điêu khắc gia Rodin (1840-1917) nói: "Cõi đời này chỉ thật sung sướng khi mọi người đều có tâm hồn nghệ sĩ, nghĩa là vui vẻ làm công việc của mình".

Đó là nói chung, còn phân tích hai tiếng "làm việc" thì thiên hình vạn trạng! Trẻ sơ sanh cho đến khi biết đi, "công việc hàng ngày" của chúng là do chức năng thiên phú của thiên nhiên: bú, cử động, khóc, bài tiết. Từ biết đi đến sáu tuổi, ăn ngủ, chạy chơi, bắt chước. Sau đó chúng đến trường. Học tập là sự làm việc của các em. Khi vào đời, người nào cũng phải kiếm một vài nghề thích hợp với sở năng của mình. Một nông dân phải biết cày cấy, vun xới, nghề phụ là đan lát. Một ngư phủ phải biết đánh cá bắt tôm, bơi lội, nghề phụ là việc đan lưới, vá lưới. Một nhà giáo ngoài việc dạy dỗ học trò, giờ rảnh giúp vợ con cho công việc gia đình hàng ngày trôi chảy. Các công nhân viên chức đều theo một thể thức như vậy lại còn tùy theo khả năng và hoàn cảnh mà gia giảm. Ai ai cũng có việc làm. Cũng vì lý do, họ có khả năng, nhưng chưa có (chứ không phải không có) nơi nào chịu nhận, còn làm những nghề vụn vặt thì số tiền kiếm được không đủ chi tiêu trong gia đình, hơn nữa nghề họ làm tạm không phù hợp với sở trường...
Ở đây chúng tôi không bàn đến cách "tìm việc làm", nhưng xin giúp cho quý bạn một ý kiến: Cây cối đứng một chỗ không tay chân, không miệng mắt, thế mà chúng vẫn sống một cách ung dung tươi tốt, trổ hoa sinh quả truyền tử lưu tôn. Một người khuyết tật còn có việc làm huống gì chúng ta?
Người đời có những thành ngữ về cách làm việc: Chân cứng đá mềm, đổ mồ hôi sôi nước mắt, thức khuya dậy sớm, chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối... là những thành ngữ nói về sự vất vả trong lao động, thế sao ở đây nói lấy sự làm việc làm vui?
Bạn hãy nhìn kìa, một người tàn tật đi rất nhiều trên các đường phố, nếu họ không làm việc thì lấy gì sinh sống? Chúng ta được lành mạnh mà phung phí sự lành mạnh ấy, không uổng sao? Trên đời này thật sự mà nói không một người nào mà không khổ cả. Dù họ là vị Quốc trưởng cũng phải lao tâm lao lực, đem hết khả năng mình ra làm sao cho quốc phú dân cường; nhà giàu họ cũng khổ sở, vì lo của cải của mình có thể bị trộm cắp, con cái vì số tài sản đó mà xung đột lẫn nhau. Những người "đa thê" cũng khổ sở đến điên đầu... Tựu trung, những nỗi khổ chính đáng đó là những nếp nhân bản chúng ta không được quyền trốn tránh. Nếu trốn tránh những nỗi khổ thông thường đó, thì sẽ gặp những điều khốn khổ do hậu quả, tấn công ngay.
Bạn thử bước vào đồn cảnh sát nào đó, hoặc xem báo hàng ngày, hoặc xem TV bạn sẽ thấy "Lệnh Truy Nã", đó mới thật sự là khổ! Cái khổ của chúng ta là nhiệm vụ, là bổn phận, là lương tâm, nên qua một ngày làm việc, ta ung dung nghỉ thoải mái hoặc vui đùa với vợ con. Một thằng Vọi hay một thằng Bờm nào đó dẫu nó có ung dung một lúc rồi nó cũng phải lo vác chèo, cầm quạt đi làm công việc của nó, có nghĩa là tuy nó ngờ nghệch, chất phác, nhưng cuối cùng nó vẫn sống như ta.

Xem thế, cái khổ vì làm việc và cái khổ vì lo sợ, chắc chắn ta vui vẻ mà chọn cho mình sự làm việc.
Cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc chữa những ưu tư. Các nhà phân tâm học sau một thời gian dài nghiên cứu đều đồng ý lấy công thức cổ điển: "Chỉ có làm việc mới chữa được những chứng bệnh tâm lý".
Chúng ta không phải đợi đến lúc buồn mới làm việc. Hãy khởi sự làm việc bằng những việc gì bạn thích, có lợi cho mọi người.
Ai tận lực, tận tâm sẽ tìm thấy sự vui thú trong việc làm của mình.
Mọi thành quả của công việc đều "có thần", miễn là nó có lương tâm tham dự vào việc làm đó.
Ai ai cũng có việc để làm.
Cây cối không có tay chân, miệng mắt như người mà vẫn sống được.
Làm việc là thú vui rất cao quý của người lương thiện.
Châm ngôn của tôi: Làm việc! Và phải làm nhiều hơn hôm qua.


>THUỐC CHỮA BỆNH TIỀN ĐÌNH ĐÔNG DƯỢC ĐỨC THẮNG0945235868