ĐẮC NHÂN TÂM * CAN ĐẢM



TÍNH CAM ĐẢM
- Bạn sẽ là kẻ thù ghê gớm nhất của mình, nếu bạn là một tên hèn nhát. Nhưng nếu bạn là người can đảm, bạn sẽ người bạn tốt nhất của chính mình. 
Franklin
- Trên thực tế, can đảm là yếu tố tồn tại hiệu nghiệm hơn là sự hèn nhát. 
Toynbee 
- Sự can đảm ấy là đức tính, vì nó khiến mình nghĩ đến công việc phải làm, nghĩ đến sự thống khổ phải đương đầu, nghĩ đến điều trở ngại, hoạn nạn cần phải kham nhẫn mà không hề sợ hãi. 
Poignet 
- Thật sự can đảm là thật sự bình tĩnh trong cơn nguy cấp.
Cousin 
- Liều, chỉ là cái gan nhất thời mà kiên nhẫn mới là can đảm. 
Saint Piere 
- Tính can đảm không thể giả mạo được. 
Napoléon 
- Thật can đảm không phải là liều chết, mà là chống chọi với tai nạn.
Sénèque 
- Trong cơn nguy biến người ta mới thấy được tính can đảm. 
Regnard
- Can đảm là đức hạnh số một của con người, vì nó bảo đảm cho mọi đức hạnh khắc. 
W. Churchill 
Lòng can đảm gia tăng khi người ta dám liều, hoặc nỗi sợ hãi gia tăng khi người ta do dự. 
P. Syrus 
Kẻ hèn nhát thì trốn chạy sự nguy hiểm, sự nguy hiểm trốn chạy kẻ gan dạ. 
D'Houdetot
Lòng can đảm đưa người ta đến vinh quang, tính hèn nhát dẫn người ta đến cái chết. 
Sénèque
Can đảm hoặc hèn nhát, bản thân anh chọn cái nào?
KD.
Tính cam đảm không phải dùng để đánh ai, mà dùng nó để bảo vệ cho mình và cho người. Tính can đảm cần phải được rèn luyện, tập sự và thử thách. Mọi lứa tuổi đều rèn luyện được. Người lớn tuổi rèn luyện bằng cách nào? Dễ lắm! Bạn hãy ôn lại quãng đời của mình, bạn thật sự nhút nhát hay cam đảm? Nếu bạn thấy mình không nhút nhát mà cũng không can đảm, đó chính là bạn nhút nhát đó. Và hãy xem, trong việc nhút nhát bạn thấy có ích gì? Hay thấy thiệt thòi gì về danh dự? Thiệt thòi về mọi mặt? Không! Bạn hãy thành thật với lương tâm bạn đi. Đừng chống chế, đừng viện lẽ. Phải nhớ một điều tối quan trọng: người đủ đức dũng mới đủ sức tha thứ cho người khác, mới đủ sức nhường nhịn người khác mà không hề có sự nóng giận, còn người hèn nhát thì "cam chịu nhục" mà lòng vẫn ấm ức. Hèn hay dũng không ở chỗ nhịn mà ở chỗ nóng giận hay không nóng giận. Cổ nhân có câu: "Nhẫn được mới là đại dũng". Khi bạn thừa sức đối đầu với người kia, nhưng bạn vẫn mỉm cười với họ, chịu nhường cho họ cho họ một bước mà lòng không hề có sự bực tức, lại cảm thấy thích thú vì đã làm được việc thiện, đó mới là can đảm. Xin nói một lời: Cuối cùng rồi ai cũng phải chết, chỉ có can đảm mới là bất tử! Can đảm chứ không phải là liều mạng. Can đảm là lòng ung dung tự tại, đối với kẻ nghịch thì tha thứ, đối với thú dữ thì dùng mưu trí mà diệt, đối với nghịch cảnh thì bình tĩnh đem trí tuệ ra đối phó, đối với nỗi oan dù biện bạch cũng vô ích, thì tốt hơn hết nên lặng thinh! Bạn cho rằng đây chỉ là lý thuyết suông? 
Năm 1963, trên Bán Nguyệt san Phổ thông ở miền Nam, ông Nguyễn Văn Ba có ghi lại một chuyện nội dung như sau: Tại thị trấn Bồng Sơn (tỉnh Bình Định), có một nhà sư vào khất thực một nhà dân nằm ven quốc lộ I, lúc ấy chủ nhà là một thiếu phụ đang ở trong phòng tắm, chỉ có đứa bé gái 6, 7 tuổi đang chơi trước sân. Nhà sư đứng đợi chủ nhà ra. Chủ nhà tắm xong bước ra chào sư rồi cấp cơm tiền cho nhà sư. Chợt bà hỏi đứa bé: 
- Chiếc nhẫn của mẹ đâu? 
Đứa bé ngơ ngác một lúc rồi chỉ nhà sư. Thiếu phụ chấp tay nói: 
- Khi tôi tắm có giao chiếc nhẫn hai chỉ cho cháu giữ, thầy có nhặt được xin cho lại. 
Nhà sư chấp tay lên ngực nói: 
- Mô Phật! Bần tăng không hề nhặt được. 
Chủ nhà làm dữ, nhà sư vẫn "Mô Phật!". Lúc ấy Phật giáo bị chánh phủ đàn áp. Người lối xóm và đám "Thanh niện Cộng Hòa" chạy đến, họ đánh đập dã man nhà sư đó, bình bát cơm bị đổ, họ lột tấm nạp y của nhà sư ra tìm vẫn không có, lục khắp mình mẩy cũng không có... nhưng họ vẫn đánh đập nhà sư đến bầm dập! Người mẹ nhiều lần hỏi lại con mình, đứa bé vãn nói "ông thầy lấy!" Sân nhà bằng đất thịt nện chắc, dĩ nhiên chiếc nhẫn không hề bị vùi dưới sân. Lúc bấy giờ viên Cảnh sát cũng vừa đến, đòi đưa nhà sư về đồn. Lúc đó chiếc xe nhà binh chạy qua cán chết một con ngỗng đực, còn con ngỗng mái tránh khỏi. Nhà sư bây giờ mới nói: 
- Chiếc nhẫn ở trong bụng con ngỗng kia, tôi thấy nó đớp chiếc nhẫn trên tay cháu gái, nhưng tôi chụp lại không kịp. 
Người ta mổ diều con ngỗng ra quả có chiếc nhẫn. Ai nấy đều ngậm ngùi. Có người hỏi: 
- Sao khi nãy thầy không chịu nói sớm để người ta khỏi đánh thầy? 
- Mô Phật! Thà bần tăng chịu hình phạt, nếu chỉ con ngỗng thì người ta làm thịt nó mất. 
Chuyện nầy thấy đăng trên báo nước ngoài có tựa đề "Un bonze" dịch từ báo Phổ Thông. Đức tính của nhà sư đã vượt qua sự can đảm. Thiên nhiên vẫn có tính công bằng. Chỉ có lòng dũng cảm thật sự mới chiến thắng được mọi nghịch cảnh. Nếu bạn chưa thật can đảm, khi gặp một người hung dữ hay một nghịch cảnh bạn sẽ sợ sệt hoặc mất bình tĩnh, hoặc nóng giận, uất ức mất đi phần sáng suốt để đối phó với vấn đề. 
Xin kể thêm một câu chuyện: 
Tần Thủy Hoàng là một bạo chúa từng chôn sống 460 nho sĩ, từng ra lệnh tàn sát những kẻ tài ba trong thiên hạ. Dân chúng sáu nước đều căm giận nước Tần. Nước nào cũng ngầm tính toán chống lại nhà Tần, nhưng chưa dám khởi sự. Bậc anh tài chết nhiều như lá thu rụng. Hàn Tín là bậc hiền tài kiệt xuất nhất thời đó. Tên bán thịt ở chợ thấy Hàn Tín đói khổ mà lại hay mang kiếm đi rong ngoài đường, hắn tức khí muốn làm nhục Hàn Tín, liền kêu Hàn Tín nói: 
- Tín! Mày mang kiếm, mày có dám giết tao không? Nếu không dám thì luồn dưới trôn tao mà đi qua. 
Một thoáng suy nghĩ, Hàn Tín ung dung luồn trôn tên bán thịt đó rồi bỏ đi. Người ở chợ cười rộ, khinh bỉ Hàn Tín là tên bất cố vô sĩ. Về sau Hàn Tín làm nguyên soái cho Hán Lưu Bang diệt được Hạng Võ, được nhà Hán phong vương. Hàn Tín gọi tên bán thịt trước kia làm nhục mình đến phong chức cho hắn, nói: 
- Ngươi xem, Hạng Võ oai vũ thế kia, quân cả trăm vạn ta còn trừ được huống gì một kẻ tầm thường như ngươi? Ta dư sức giết ngươi mà không thèm giết chỉ vì ngươi không đáng giết. Vả lại ta muốn dấu ta, dấu tấm thân hữu dụng này để ngày sau còn giúp cho đời... 
Hàn Tín là bậc hiền tài, mình mang tuyệt học đã thõng tay vào chợ chả khác gì một thiền sư. Hàn Tín là bậc đại dũng cổ kim ít có người sánh bằng. Đó đáng gọi "nhẫn là đại dũng". 
Chắc bạn nghĩ rằng "mấy người kia họ có võ nghệ nên họ mới cam đẩm". Nghĩ vậy là lầm! Võ nghệ chỉ yểm trợ phần nào cho sự can đảm mà thôi! Võ nghệ không thể sánh với lòng can đảm được. Biết bao người sức trói gà không chặt mà thừa lòng can đảm, đến nỗi những kẻ đầy võ nghệ, đầy uy quyền cũng vẫn khuất phục. Xin dẫn một thí dụ khác: 
Tần Thủy Hoàng sai người đến bảo An Lăng quân: 
- Vua ta muốn đem 500 dặm đất để đổi lấy đất An Lăng, mong ngài hãy bằng lòng. 
An Lăng quân không chịu nói: 
- Cảm ơn nhà vua đã gia ân. Đất tôi dù có 50 dặm nhưng vẫn là đất của tổ tiên để lại, không thể vâng mệnh. 
Vua Tần nổi giận, sửa soạn cất quân đi đánh. Bấy giờ có một người áo vải (bần dân) già nua tên là Đường Thư vào xin An Lăng quân để đi sứ sang thuyết vua Tần. Vua Tần nói: 
- An Lăng quân kinh ta chăng mà không chịu đổi 50 dặm để lấy mảnh đất rộng gấp mười? Cở như Hàn, Ngụy ta còn diệt huống gì đất An Lăng? 
Đường Thư nói: 
- Không phải! An Lăng quân nhận đất của Tiên vương nên phải giữ, dẫu nhà vua đem ngàm dặm cũng không đổi chứ đừng nói 500 dặm. 
Vua Tần nổi giận trợn mắt hỏi Đường Thư: 
- Tên già ngu ngốc kia, ngươi có biết thiên tử giận thì sao không? 
- Thì sao? 
- Thiên tử mà giận một cái thì thây phơi trăm vạn, máu loang ngàn dặm. 
Đường Thư ôn hòa hỏi lại: 
- Đại vương có biết hạng áo vải nổi giận thì sao không? 
Vua Tần lồng lộn lên đáp: 
- Tụi áo vải mà giận thì chỉ lột mảo, cởi dép, dập đầu mà lạy! 
Đường Thư nhếch mép cười: 
- Cũng có thật! Nhưng đó chỉ là bọn thất phu. Chứ kẻ sĩ giận thì khác. Lúc Chuyên Chư đâm Vương Liễu thì sao chổi lấn át mặt trăng; lúc Nhiếp Chính đâm Hiệp Lũy thì cầu vồng trắng vắt ngang qua mặt trời; lúc Yếu Ly đâm Khánh Kỵ thì chim ưng xanh đá nhau trên điện. Ba vị đó đều kẻ sĩ áo vải, lòng nén uất nên trời mới hiện lộ những điềm như vậy. Nay sắp có thêm tôi nữa là bốn. Kẻ sĩ mà nổi giận thì thây nằm hai cái, máu loang năm bước, thiên hạ để tang, tức như hôm nay. 
Nói rồi tuốt gươm đứng lên. Vua Tần sợ quá nhũn người quỳ xuống tạ lỗi: 
- Thôi, thôi! Mời tiên sinh ngồi! Làm gì đến nỗi như vậy! Quả nhân hiểu rồi. Hàn, Ngụy bị diệt mà An Lăng quân chỉ có 50 dặm đất mà vẫn giữ được chính là nhờ có tiên sinh đó! 
Quả như lời Cousin nói: "Kẻ can đảm là kẻ bình tĩnh nhất trong lúc nguy cấp". Đạo Phật chủ trương Từ Bi. Châm ngôn của Phật tử là Bi, Trí, Dũng. "Dũng" chính là gan dạ. Tuy rằng không đánh ai nhưng không sợ ai hiếp mình. Trong phép bố thí của nhà Phật có hạnh "vô úy thí" (không sợ khi phải hy sinh) dẫu trong lúc ngặt nghèo vẫn coi xác thân là vật tạm bợ, sẵn sàng hy sinh xác thân để "cúng dường Tam Bảo". 
Hồi tiền bán thế kỷ 20, ở Ấn Độ có phong trào tranh đấu bất bạo động của Thánh Gandhi đành độc lập cho nước nhà. Gandhi đem xác thân đặt trước lưỡi lê và họng súng của kẻ thù, mặc cho kẻ thù muốn đâm, muốn bắn tùy ý. Dũng là chỗ đó. Không phải dùng vũ lực đàn áp họ gọi là dũng. Chết là điểm cuối cùng của con người mà vẫn không sợ thì còn sợ gì? Đó là chúng ta nói đến sự thể cuối cùng như vậy. Sự thật trên đời không ai công nhiên dám giết ta, dẫu kẻ đứng trước mặt ta là một tên sát nhân chăng nữa. Trường hợp đó nếu ta có thái đọ rụt rè do dự, van xin lạy lục là chúng ta rước lấy cái tai vạ. 
Không bút nào thuật lại cho hết lòng can đảm của con người. Chúng ta cần ghi nhớ mấy điều: 
Kẻ cam đảm bao giờ cũng dành lấy sự chiến thắng sau cùng. 
Không ai tự nhiên mà giết người, vậy không nên sợ chết bởi lời hăm dọa. Không sợ chết tức là can đảm. 
Can đảm là đức tính lớn nhất và quý báu nhất trong mọi đức tính, ta nhờ nó mà bảo vệ danh dự lẫn sinh mệnh cho mình và cho người. 
Can đảm là thần hộ mệnh của TÌNH YÊU và SỰ SỐNG.



>THUỐC CHỮA BỆNH TIỀN ĐÌNH ĐÔNG DƯỢC ĐỨC THẮNG0945235868